Blog cá nhân và những điều cần biết

Blog được hiểu là một phần của website hoặc toàn bộ tùy theo mục tiêu mà blog hướng đến. Một blog bao gồm những thành phần như văn bản, hình ảnh, video được định dạng ở những bài viết dài.

Blog cá nhân và những điều cần biết, cách kiếm tiền bền vững với blog

Một hành trình mới với blog cá nhân mới bắt đầu trong thời đại mới. Mình nên làm gì để thích nghi với những thay đổi trong thời buổi bùng nổ của mạng xã hội.

Đây là hành trình dài hơi bắt đầu từ con số 0 đến khi có thể kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ blog cá nhân. Vì vậy sẽ có những kiến thức cơ bản cho đến nâng cao nhất, cho nên mọi người cố gắng đọc hết bài viết này nhé.

Blog cá nhân là gì?

Blog được hiểu là một phần của website hoặc toàn bộ tùy theo mục tiêu mà blog hướng đến. Một blog bao gồm những thành phần như văn bản, hình ảnh, video được định dạng thành những bài viết dài.

Mọi người chọn blog cá nhân với nhiều lý do:

  • Chia sẻ lại hành trình cuộc đời hay đơn giản chỉ là nhật ký ghi lại những điều tâm đắc trong cuộc sống. Blog dạng này bạn có thể viết những gì bạn thích, đó có thể là một đam mê, một kỹ năng nào đó mà bạn đã trải nghiệm.
  • Xây dựng cộng đồng: Giống như mình hiện tại đang muốn xây dựng một cộng động có chung đam mê viết Blog, về chủ đề Affiliate Marketing. Chia sẻ những điều thú vị từ hành trình phát triển blog cá nhân để kiếm tiền online. Blog tạo ra một không gian chia sẻ những kiến thức, sở thích, những câu chuyện mà mình đã trải qua trên suốt hành trình hơn 7 năm đến với blog vừa là công việc vừa là đam mê. Blog cũng có hỗ trợ những tính năng bình luận, cho phép đọc giả có thể trò chuyện góp ý hoặc đưa ra những nhận xét về nội dung mà bạn chia sẻ. Từ đó mình học hỏi thêm được nhiều kiến thức hơn từ những góp ý của độc giả.
  • Truyền thông cho một thương hiệu: Blog cá nhân dường như không có giới hạn chủ đề nào cả, bạn có thể xây dựng thương hiệu cho chính mình hoặc thương hiệu cho doanh nghiệp thông qua những bài viết trên blog. Những bài viết không chỉ mang lại giá trị cho chính mình, mà còn lan tỏa những điều giá trị mà thương hiệu của bạn mang lại cho khách hàng. Hay đó chỉ là một hành trình làm nghề của bạn chia sẻ lại cho những độc giả có cùng đam mê, có cùng sở thích với mình. 
  • Quảng cáo một sản phẩm: Blog đóng vai trò quan trọng trong việc marketing, truyền thông cho một sản phẩm nào đó. Theo thống kê của thinkwithgoogle.com thống kê có đến 53% người dùng tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Vì Vậy blog là một trong những kênh truyền thông hiệu quả thu hút nguồn traffic lớn khi áp dụng các ưu điểm nổi bật từ các chiến dịch SEO. Đưa các bài viết giới thiệu về sản phẩm đến gần hơn những khách hàng tiềm năng đang có nhu cầu tìm kiếm thông tin.
  • Kiếm thêm nguồn thu nhập từ việc viết blog: Kiếm tiền từ blog có thể ở Việt Nam mới gần đây được tìm hiểu nhiều. Ở thị trường Global việc kiếm được tiền từ việc viết blog đã có từ rất lâu và phổ biến hơn. Có nhiều Blogger đã kiếm được hàng triệu đô chỉ với công việc viết blog. Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng có thể kiếm được tiền ngay cả. Họ đã đầu từ thời gian công sức và cả tiền bạc để có được thành quả. Blog không đơn giản viết là có tiền, bạn phải học thêm nhiều kỹ năng và kiến thức mới có thể kiếm nguồn thu nhập ổn định từ blog được.

Không có thời gian nào là hoàn hảo nhất để bắt đầu công việc với blog cá nhân. Nếu bạn cảm thấy mình đã sẵn sàng bắt đầu với công việc này bạn nên bắt tay vào làm ngay. Chỉ khi bạn có thể gõ những dòng đầu tiên cho blog của mình, khi đó bạn mới có thể bắt đầu dấn thân vào con đường tìm kiếm và học hỏi để trở thành một Blogger chính thức.

Bây giờ bạn đã hiểu lý do vì sao nên bắt đầu công việc viết blog rồi chứ, blog như một hành trình chăm một đứa con từ giai đoạn thai kỳ cho đến khi nó ra đời và lớn lên. Mỗi giai đoạn luôn có những thách thức và rào cản riêng. Khi bạn vượt qua và nhìn lại thì đó là một hành trình thú vị mà bạn có thể thử trải nghiệm.

Làm sao để bắt đầu blog cá nhân  

Để có được một blog cá nhân là việc dễ dàng với những bạn biết về công nghệ. Với những bạn không giỏi về công nghệ không phải việc đơn giản. Dưới đây là quy trình 10 bước mà mình đúc kết lại sau hơn 7 năm phát triển blog cá nhân.

Bước 1: Chọn nền tảng cài đặt blog cá nhân

Có rất nhiều nền tảng để phát triển blog cá nhân từ miễn phí đến có phí. Tùy vào nhu cầu cũng như mục tiêu mà chọn nền tảng cho phù hợp.

Dưới đây là một số nền tảng phổ biến để tạo blog phổ biến nhất hiện nay:

  1. Blogger.com 

Đây là nền tảng được Google phát triển dành riêng cho các bạn không cần biết code cũng có thể tạo được blog. Blogger.com được đánh giá là nền tảng tạo blog miễn phí tốt và ổn định nhất hiện nay. Blogger có thể dùng để tạo những blog tin tức, blog review hay thậm chí có bạn còn dùng blogger để tạo các trang bán hàng.

Blogger.com nền tảng tạo blog cá nhân miễn phí

Kho giao diện của Blogger cũng rất đa dạng và nhiều giao diện được thiết kế rất chỉnh chu, đẹp mắt không thua gì các giao diện của các nền tảng khác. Các giao diện được chia sẻ miễn phí rất nhiều trên internet bạn có thể tìm kiếm để tải về sử dụng. Đây cũng là lý do chính mà các bạn mới bắt đầu công việc viết blog lựa chọn nền tảng này.

  1. WordPress.com

So với Blogger.com thì WordPress.com là nền tảng tạo blog có số lượng người dùng lớn và phổ biến hơn. WordPress.com cung cấp cho người dùng giao diện trực quan, dễ sử dụng và không cần biết quá nhiều về kỹ thuật. 

WordPress.com gần như phát triển sẳn các công cụ quản lý website từ giao diện, tiện ích hỗ trợ lưu trữ, bảo mật hoàn toàn miễn phí. WordPress.com hỗ trợ đa ngôn ngữ giúp bạn dễ dàng tạo ra những blog có nội dung phù hợp với đọc giả trên toàn thế giới.

WordPress.com là nền tảng tạo blog miễn phí nên rất nhiều bạn khi mới bắt đầu chọn nền tảng này để phát triển blog cá nhân. WordPress.com cũng có gói trả phí với nhiều lựa chọn tùy vào ngân sách của bạn, gói rẻ nhất của nền tảng này là 4 usd/tháng.

  1. Wix 

Để so sánh với Blogger, WordPress.com thì Wix ít phổ biến hơn ở Việt Nam, đa phần người dùng sẽ ưu tiên chọn Blogger hay WordPress vì độ phổ biến của 2 nền tảng này. Tuy vậy Wix cũng có những điểm nổi bật riêng, rất phù hợp cho người mới bắt đầu với blog. Nền tảng web builder cho phép người dùng tạo blog bằng cách kéo thả, tương tác với giao diện đồ họa mà không cần biết lập trình.

Wix cũng có gói tạo blog miễn phí và trả phí, khi mới bắt đầu bạn có thể sử dụng gói miễn phí để dùng thử trước nếu thấy phù hợp có thể nâng cấp lên gói trả phí. Gói dịch vụ rẻ nhất của Wix với các tính năng cơ bản có giá 4.50 usd/tháng.

  1. Ghost CMS 

Ghost CMS là nền tảng dành riêng cho việc viết Blog, nếu bạn chỉ tập trung vào viết và không biết gì về kỹ thuật. Giao diện quản lý cũng rất đơn giản, nếu bạn chỉ tập trung vào việc viết blog thì Ghost là một lựa chọn phù hợp.

So với các nền tảng khác thì Ghost không có gói miễn phí chỉ có gói có phí, nếu bạn là người mới bắt đầu, Ghost có cho dùng thử 14 ngày. Nếu thấy phù hợp có thể chọn nâng cấp lên gói có phí. Các gói dịch vụ có phí của Ghost cũng có nhiều lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn phát triển blog, gói rẻ nhất chỉ 9 usd/tháng.

  1. WordPress.org

Là mã nguồn mở phổ biến nhất hiện nay và được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới để tạo ra các blog cá nhân và website chuyên nghiệp. Bạn có thể tùy chỉnh giao diện theo sở thích cũng như theo chủ đề của blog hay website. 

Nền tảng này có thể mở rộng không giới hạn với rất nhiều giao diện khác nhau, từ blog cá nhân, website doanh nghiệp, tin tức, trang bán hàng, landing page, khóa học…. Với khả năng tùy chỉnh giao diện dễ dàng cũng như các tính năng mở rộng linh hoạt với hàng ngàn plugin hỗ trợ. Đáp ứng được gần như mọi nhu cầu sở hữu blog cá nhân hay phát triển thành một website bán hàng cho doanh nghiệp, với đầy đủ các tính năng của một website thương mại điện tử. 

Đây là 5 nền tảng phổ biến để bắt đầu công việc viết blog, ngoài ra còn những nền tảng khác nữa như Shopify, Squarespace… 

Hiện nay việc tạo blog cá nhân đã dễ dàng và phổ biến hơn trước đây rất nhiều. Quan trọng nhất vẫn là làm sao tạo ra được một blog với những nội dung đủ chất lượng, thu hút được nhiều độc giả nhất.

Bước 2: Tìm ngách chủ đề cho blog cá nhân

Tại sao mình chọn tìm ngách chủ đề cho blog cá nhân trước mà không phải là chọn tên miền hay hosting? Có thể nhiều bạn khi đã chọn được nền tảng phát triển blog thì sẽ bắt tay vào ngay việc chọn mua tên miền và hosting trước. Với mình việc chọn ngách chủ đề là quan trọng nhất trong việc phát triển blog cá nhân. Đây cũng là bước quyết định nên chọn tên miền nào cho phù hợp với chủ đề của blog.

Ngách(Niche) có thể hiểu cơ bản chủ đề mà bạn chọn để viết cho blog. Bạn cần chọn một ngách “đủ lớn” để tạo ra nhiều nội dung chất lượng, tạo ra cơ hội chuyển đổi và có thể tạo ra nguồn thu. Đồng thời ngách đó cũng phải “đủ nhỏ” để ít cạnh tranh hơn với các ông lớn cùng chủ đề.

Một cách mình hay tìm ngách là áp dụng phương pháp IKIGAI, ngách chủ đề bạn chọn là điểm giao nhau của bốn vòng tròn: việc bạn thích, việc bạn làm tốt nhất, xã hội cần và mang lại thu nhập.

Tìm ngách chủ đề cho blog cá nhân

Ikigai là một triết lý sống của người Nhật, nội dung chủ yếu đề cập đến phương pháp giúp bạn tìm ra mục đích sống của cuộc đời mình. Trong tiếng Nhật, Ikigai được ghép từ “Ikiru” (sống) và “kai” (thấy được hy vọng). Ikigai có ý nghĩa là “tìm kiếm mục đích sống của đời bạn” hoặc “tìm ra lý do để bạn thức dậy mỗi sáng”.

Ikigai là kim chỉ nam của hành động tích cực giúp ta hướng đến tương lai dù đang trải qua những việc không vui của hiện tại”.

Theo nhà tâm lý học – Mieko Kamiya.

Để có thể chọn ngách theo phương pháp IKIGAI bạn có thể dùng cách sau: 

  • Liệt kê những chủ đề bạn thích viết nhất
  • Chủ đề nào bạn tự tin viết tốt nhất
  • Bạn có chuyên môn khi viết chủ đề nào nhất.
  • Nhu cầu của độc giả với những chủ đề trên như nào
  • Ai sẽ trả tiền cho bạn với những chủ đề trên

Khi trả lời được hết những câu hỏi trên, bạn sẽ tìm ra được ngách chủ đề phù hợp cho blog cá nhân của mình.

Một ví dụ để mọi người dễ hình dung về cách chọn ngách chủ đề:

Tình cờ vào một buổi sáng đi làm mình thấy rất nhiều người đi xe đạp tập thể dục và đi làm vào buổi sáng. Mình thấy hay vì giữa thành phố như Sài Gòn, tình trạng kẹt xe là chuyện xảy ra hằng ngày. Các phương tiện như xe máy phải đợi rất lâu mới có thể di chuyển được. Nếu di chuyển bằng xe đạp cũng có thể dẫn bộ trên lề để thoát qua đoạn đường kẹt. Một lợi ích nữa là việc di chuyển bằng xe đạp cũng giúp tiết kiệm hơn chi phí trong thời buổi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay. Đi xe đạp cũng là một thú vui tốt cho sức khỏe, nếu vô tình hôm nào bạn đi trên cung đường Trường Sa, Hoàng Sa sẽ bắt gặp rất nhiều người đi xe đạp vào buổi sáng sớm. 

Vậy cuối cùng câu chuyện ở đây là gì? Điều mình để cập đến ở đây là một ngách nhỏ mình đã chọn để phát triển Blog là “Xe đạp đi làm” chỉ tập trung những bài viết về chủ đề xe đạp dành cho dân công sở. 

Để rõ hơn mình sẽ phân tích dựa trên những câu hỏi theo phương pháp IKIGAI:

  1. Xe đạp cũng là chủ để mình thích viết, có rất nhiều thông tin để có thể khai thác của chủ đề này. 
  2. Mình tự tin chọn vì mình cũng tìm hiểu và đã có cho mình  một chiếc xe đạp.
  3. Mình có tìm hiểu về xe đạp cũng là người đi xe đạp nên cũng biết sẽ cần những phụ kiện cần thiết gì cho chiếc xe.
  4. Nhu cầu mua xe đạp là có, không chỉ là xe đạp mà các phụ kiện về xe đạp cũng rất nhiều.
  5. Độc giả có ý định mua xe đạp tìm kiếm thông tin đọc những bài viết giới thiệu những sản phẩm mình review từ đó mua những sản phẩm đó.

Người dùng sẽ thích một người có kiến thức có chiều sâu trong một lĩnh vực hơn là  tin vào bài viết của thương hiệu, trang thông tin tổng hợp. Vì vậy khi chia sẻ các nội dung hãy chia sẻ từ những trải nghiệm thực tế của mình điều đó sẽ dễ thuyết phục độc giả hơn.

Còn rất nhiều cách để có thể tìm ra ngách chủ đề cho blog cá nhân của mình, mình sẽ giới thiệu chi tiết hơn ở một bài viết khác.

Bước 3: Nghiên cứu insight người đọc

Ai sẽ đọc những bài viết trên blog của bạn, nếu không xác định được insight sẽ khó chạm cảm xúc người đọc.

Viết để làm gì? Viết cho ai? Bài viết mang lại giá trị gì cho người đọc, giải quyết được vấn đề gì? Khi bạn trả lời được những câu hỏi này bạn sẽ biết đối tượng mình cần hướng đến là ai. Bài viết trên blog phải hướng đến một nhóm người đọc cụ thể sẽ dễ dàng thuyết phục họ quay trở lại đọc những nội dung khác của bạn hơn. 

Để xác định insight người đọc bạn sẽ phải phân tích:

  • Họ là ai? Độ tuổi là bao nhiêu nghề nghiệp là gì, thu nhập bao nhiêu?
  • Họ đến từ đầu?
  • Họ tìm kiếm thông tin ở đâu?
  • Họ đang quan tâm đến vấn đề gì?
  • Họ đang cần giải quyết những khó khăn gì?
  • Bạn cung cấp những thông tin gì để đưa ra lời khuyên cho họ?

Một ví dụ nhỏ: Mình đang xây dựng một blog về xe đạp, đối tượng mình đang hướng đến là đối tượng dân công sở đang đi làm, có độ tuổi từ 22 đến 45 tuổi. Các chủ đề mình viết sẽ xoay quanh đối tượng là dân công sở từ đó chia ra về mặt giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp… loại xe nào phù hợp với từng đối tượng đó.

Để tìm ra chân dung của độc giả không phải chuyện dễ dàng. Nhưng khi bạn có được tương đối các thông tin về nhóm độc giả cần hướng đến, việc triển khai nội dung cho blog cá nhân sẽ dễ hơn. Việc lên ý tưởng và kế hoạch nội dung cũng được cụ thể hơn cho từng bài viết.

Bước 4: phân tích đối thủ cùng chủ đề

Trên internet có hàng triệu blog sẽ không ít các blog có cùng chủ đề, vậy nên để có thể cạnh tranh với đối thủ cần phải biết họ đã làm gì. Qua việc phân tích đối thủ bạn sẽ tìm ra được chủ đề nào họ đang làm tốt nhất, đang có những bài viết nào được quan tâm nhiều nhất. Chủ đề nào họ chưa khai thác, từ đó bạn có thể tìm ra hướng đi khác cho Blog cá nhân của mình.

Có nhiều cách phân tích blog của đối thủ dưới đây là một số cách mà mình đã áp dụng:

  1. Cách thủ công: Dùng từ khóa chủ đề blog của bạn vào Google và gõ tìm, liệt kê ra danh sách 10 blog đầu tiên có thứ hạng cao nhất cùng chủ đề. Vào từng blog phân tích xem chủ đề chính của từng blog. Liệt kê các chủ đề của từng blog, những chủ đề nào đang tập trung khai thác. Nội dung viết như thế nào, hình ảnh, video triển khai ra sao. Cách liên kết các nội dung, cách họ bố trị các lời kêu gọi hành động như thế nào. Đây cũng là cách mà bạn học hỏi kinh nghiệm  làm nội dung, từ đó rút ra bài học cho việc phát triển blog của mình sau này.
  1. Dùng công cụ hỗ trợ: Có nhiều công cụ hỗ trợ cho việc phân tích đối thủ, nhờ đó mà bạn sẽ không phải mất quá nhiều thời gian và công sức để phải phân tích nhiều yếu tố cùng một lúc. Một trong những công cụ giúp phân tích đối thủ tốt nhất hiện nay là Semrush.com. Công cụ này cung cấp rất nhiều nhóm công cụ hỗ trợ phân tích SEO trong đó có bộ công cụ hỗ trợ phân tích đối thủ cạnh tranh bao gồm:
  • Traffic Analytics: Đánh giá lưu lượng truy cập trang web của bạn so với các đối thủ cạnh tranh để biết vị trí của bạn. Xem tổng lưu lượng truy cập ước tính, các nguồn lưu lượng truy cập hàng đầu, tỷ lệ thoát, thời gian trên trang, v.v. để thông báo chiến lược tiếp theo của bạn với trang web phân tích đối thủ cạnh tranh.
  • Tìm kiếm tự nhiên: Khám phá các đối thủ cạnh tranh tìm kiếm tự nhiên và tìm cơ hội cạnh tranh với họ. Tìm hiểu giá trị của từng từ khóa cụ thể mà họ được phân hạng theo và nêu bật những cơ hội trống mà ngay cả đối thủ của bạn cũng bỏ qua.
  • Nghiên cứu quảng cáo: Tìm cơ hội của bạn để đánh bại đối thủ trong tìm kiếm trả phí. Thu thập kiến ​​thức sâu sắc về bối cảnh quảng cáo và phân tích chi tiết về quảng cáo của đối thủ cạnh tranh của bạn trong vài phút.
  • Social Media Tracker: Phân tích phương tiện truyền thông xã hội của đối thủ cạnh tranh của bạn để theo dõi sở thích của đối tượng và khám phá các cách mới để tăng mức độ tương tác.
Semrush.com công cụ hỗ trợ phân tích đối thủ cho blog cá nhân

Semrush là công cụ rất hữu ích hỗ trợ trong việc nghiên cứu, phân tích các chỉ số cho chiến dịch SEO. Để sử dụng hết các tính năng của công cụ trên cần phải sử dụng gói trả phí và thường chi phí cho công cụ này rất cao. 

Tuy vậy bạn có thể sử dụng gói miễn phí của Semrush nếu không đổi hỏi quá nhiều về các tính năng nâng cao, gói này sẽ giới hạn số lượt hiển thị kết quả. Hoặc bạn có thể tham gia mua sử dụng các gói dùng chung, có nhiều đơn vị cung cấp chia sẻ lại tài khoản dùng chung để tiết kiệm chi phí hơn.

Còn một số công cụ phân tích đối thủ khác như Ahref.com, những công cụ này thường sẽ phải mất phí để có thể sử dụng. 

Khi đã có được bản phân tích đối thủ bước tiếp theo là cần phải đặt tên và lựa chọn tên miền cho blog.

Bước 5: Chọn tên miền phù hợp

Một số bạn dành rất nhiều thời gian để chọn tên miền cho blog, nhưng sao một thời gian lại không hài lòng muốn đổi sang tên khác. Việc chọn tên miền không đơn giản chỉ là chọn một cái tên nào cũng được.

Lựa chọn một tên miền dễ đọc, dễ nhớ để xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc dựa trên ngách chủ đề chính mà bạn muốn triển khai cho blog cá nhân. Dưới đây là một số cách mà mình hay sử dụng để chọn tên miền.

Đăng ký tên miền cho blog cá nhân

– Dựa trên thương hiệu cá nhân ví như: phongreviews.vn.

– Dựa trên ngách chủ đề muốn phát triển blog cá nhân ví dụ mình muốn review sách tâm linh: reviewsachtamlinh.com.

– Bạn có thể chọn tên miền dựa trên một sản phẩm cụ thể mà bạn muốn phát triển cho blog như: maylockhongkhi.com review tất cả các sản phẩm về máy lọc không khí.

– Một cách khác dựa trên một thông điệp mà bạn muốn gửi đến độc giả của blog ví dụ như: Lammmo.com hướng đến các chủ đề chia sẻ các kiến thức kinh nghiệm về kiếm tiền online và Affiliate Marketing.

Nên chọn tên miền trùng với tên blog và nền sử dụng duy nhất cho tất cả các kênh mà bạn muốn phát triển. Ví dụ tên miền bạn chọn là reviewsachtamlinh.com, thì fanpage bạn cũng nên tạo là Review sách tâm linh – reviewsachtamlinh.com, các kênh làm tượng tự.

Sau khi mình đã chọn được tên miền cho blog cá nhân thì có thể kiểm tra tên miền đó tại các nhà cung cấp tên miền quốc tế như Godaddy.com, Namecheap.com, hostinger.com… hoặc tại các nhà cung cấp tên miền trong nước như Pavietnam.com, nhanhoa.com… 

Một đơn vị mà mình thường sử dụng để đăng ký tên miền là Tenten.vn đơn vị cung cấp tên miền top đầu tại Việt Nam. Mình chọn tenten.vn không phải vì giá rẻ hoặc có nhiều khuyến mãi mà là vì hệ thống quản lý dễ sử dụng. Ngoài ra bộ phận support của tenten.vn cũng khá tốt. Bạn không cần phải ghi nhớ ngày hết hạn bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ nhắc nhở khi gần hết hạn. Ngoài ra hệ thống có tự động gửi email thông báo khi gần đến ngày hết hạn.

Khi đã đăng ký mua tên miền thành công bước tiếp theo là chọn mua hosting và tiến hành cài đặt blog.

Tham khảo thêm: Tạo ấn tượng ban đầu với cách đặt tên miền cho blog cá nhân

Bước 6. Chọn hosting để tối ưu chi phí

Hosting là nơi để lưu trữ dữ liệu, hình ảnh, nội dung và source code của blog, website. Việc lựa chọn hosting cũng không phải chuyện đơn giản nếu bạn không biết về kỹ thuật. Một hosting phải đáp ứng đủ các yếu tố: Tốc độ, dung lượng lưu trữ, băng thông và bảo mật…

Hosting tối ưu cho blog cá nhân

Azdigi nhà cung cấp hosting hỗ trợ tốt nhất hiện nay, tham khảo và đặt mua tại đây.

Thanh Phong – Lammmo.com

Hiện nay có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ hosting với nhiều ưu đãi tốt, giá rẻ, một trong những đơn vị mà mình hay sử dụng là AZDIGI.COM. Một phần vì giá có nhiều ưu đãi, một phần vì hỗ trợ rất nhiệt tình.

Một lý do nữa là vì CEO của Azdigi không ai khác cũng là tác giả của blog nổi tiếng thachpham.com với rất nhiều bài hướng dẫn về WordPress rất chi tiết và đóng góp nhiều cho sự phát triển của WordPress tại Việt Nam.

Tham khảo thêm: Làm sao chọn hosting cho blog cá nhân để tối ưu chi phí

Bước 7: Cài đặt blog cá nhân

Nếu ví blog cá nhân như một ngôi nhà, thì tên miền là địa chỉ nhà, hosting là mảnh đất để xây dựng ngôi nhà. Khi đã đăng ký địa chỉ nhà, chuẩn bị xong mảnh đất rồi thì việc tiếp theo sẽ là bắt tay vào xây dựng ngôi nhà.

Blog cũng vậy khi đã có tên miền và hosting bước tiếp là bắt tay vào xây dựng blog. Việc cài đặt blog cũng không quá phức tạp nếu bạn nắm rõ về kỹ thuật. Nhưng nếu bạn “Mù công nghệ” nên nhờ người hỗ trợ. Một cách khác, bạn nên chọn các nền tảng miễn phí như Blogger.com, WordPress.com, Wix.com… thì chỉ cần đăng ký tài khoản trên các nền tảng đó và tạo blog.

Đối với WordPress.org bạn cần phải nắm rõ kỹ thuật để có thể cài đặt được blog, vì khi cài đặt với nền tảng này sẽ phức tạp hơn so với các nền tảng miễn phí trên. Để tham khảo nội dung cài đặt blog với WordPress.org tại đây.

Khi đã cài đặt blog cá nhân xong, bây giờ để bắt đầu sự nghiệp viết blog, trở thành một Blogger việc tiếp theo là tạo cho mình những tác phẩm bằng sự sáng tạo nội dung.

Bước 8: Bắt đầu sự nghiệp trở thành Blogger bằng bài viết đầu tiên

Việc khó nhất để thành một Blogger không phải là các bước cài đặt blog cá nhân mà là phát triển nội dung. Các vấn đề kỹ thuật có thể nhờ người có chuyên môn triển khai nhưng với Content bạn phải là người tự viết thì mới có thể truyền tải hết thông điệp trên blog cá nhân của mình. 

Đối với blog cá nhân Content là cốt lõi sự phát triển blog, quyết định đến 80% thành công của blog. Để viết bài bạn nên quay lại xem chân dung độc giả của bạn ở bước 3. Với chân dung người độc giả có được ở bước phân tích insight người đọc, bạn có thể bắt đầu viết những bài giới thiệu đầu tiên. Blog của bạn viết về chủ đề gì? Viết cho ai? Viết về vấn đề gì và đâu là điểm khác biệt về những nội dung bạn chia sẻ trên blog so với người khác?

Tìm kiếm từ khóa tiềm năng

Trước khi bắt tay vào viết, một bước quang trọng không kém nữa là tìm kiếm từ khóa tiềm năng. Từ khóa có thể được hiểu là từ hoặc cụm từ mà người dùng gõ vào ô tìm kiếm của Google. Thông thường nếu là người mới bạn nên chọn những từ có lưu lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng từ 200 – 1000 vì mức độ cạnh tranh sẽ không cao.

Bước nghiên cứu và chọn từ khóa này rất quan trọng vì nó giúp bạn định hướng được tuyến nội dung cần triển khai. Bài viết chỉ có giá trị khi giải quyết được những ý định tìm kiếm của người đọc. Từ khóa cũng là một trong những yếu tố giúp Google tìm ra được blog của bạn và cũng để Google biết bạn đang đề cập đến nội dung gì.

Có 3 bước tìm kiếm từ khóa dành cho người mới:

– Bước 1: Vào Google gõ tìm chủ đề mà bạn quan tâm.

– Bước 2: Sử dụng các công cụ phân tích lưu lượng tìm kiếm của từ khóa đó.

– Bước 3: Chọn những từ khóa phù hợp với chủ đề mà bạn muốn viết.

Một số công cụ hỗ trợ phân tích từ khóa như: Google Keyword Planner, Google Trends, Keyword surfer addon Chrome, Keywordtool.io… và còn một số công cụ khác mình sẽ giới thiệu chi tiết ở một bài viết khác.

Thu hút người đọc bằng tiêu đề hấp dẫn

Tiêu đề là yếu tố quan trọng nhất trong bài viết của bạn. Tiêu đề là người đầu tiên mà độc giả nhìn thấy và chú ý đến. Do đó, tiêu đề cần phải hấp dẫn, độc đáo và phản ánh chủ đề của bài viết.

Bí quyết để có một tiêu đề chất lượng phải là một tiêu đề cụ thể để người đọc bắt gặp là biết nó dành cho mình, nói về điều gì mà đúng với mong muốn của mình. Hãy liệt kê ra tất cả tiêu đề trong bảng kế hoạch bạn dự định sẽ viết, điều này cũng hạn chế những chủ đề trùng lặp nhau trên một Blog.

Tham khảo 8 cách đặt tiêu đề hiệu quả, dựa trên dữ liệu các bài viết có nhiều lượt truy cập.

1. Có số trong tiêu đề

  • 5 hình thức phổ biến kiếm tiền hiệu quả với blog cá nhân
  • 8 công thức nấu ăn ngon với nồi chiên không dầu
  • Top 10 nồi chiên không dầu giá tốt nhất 2023

2. Tốt nhất

  • Cách viết nội dung tốt nhất cho blog chủ đề về sách
  • 10 cách tốt nhất tạo động lực viết bài mỗi ngày trên blog cá nhân

3. Gây sự chú ý, giật tít (Hạn chế sử dụng)

  • Thu nhập 20 triệu/tháng chỉ bằng việc viết blog
  • Công thức kiếm nghìn đô mỗi tháng chỉ bằng cách seeding facebook

4. Số liệu thống kê được

  • 90% mọi người đều mắc lỗi này khi bắt đầu công việc viết blog
  • Cách tăng 200% traffic tự nhiên chỉ bằng công thức viết blog này

5. Gọi tên đối tượng, người dùng

  • Công thức đặt tiêu đề hấp dẫn cho người mới bắt đầu viết blog
  • Quyển sách kết nối ba mẹ và bé một cách dễ dàng

6. Hướng dẫn

  • Hướng dẫn cách bảo quản nồi chiên không dâu
  • Làm thế nào để tạo ra một bài viết hấp dẫn
  • Hướng dẫn từng bước tối ưu một bài viết chuẩn SEO cho người mới

7. Bí quyết, điều gì đó bí mật

  • Bật mí cách tôi học viết được content chỉ trong 3 tháng
  • Cách tôi đã kiếm được 10 triệu/tháng từ việc phát triển blog

8. Thời gian trong tiêu đề

  • Top 10 bình giữ nhiệt Lock&Lock bán chạy nhất 2023
  • Năm 2024 và những lưu ý khi bắt đầu công việc với blog

Nội dung quyết định sự thành công của blog

Khi đã có từ khóa, tiêu đề rồi việc tiếp theo là viết bài. Một bài viết chất lượng không đơn thuần chỉ có ngôn từ mượt mà, lời hay ý đẹp. Điều quan trọng nhất là bài viết phải đúng, đúng ở đây là cung cấp thông tin chính xác, đúng trọng tâm chủ đề. Đọc giả sẽ thích một bài viết giải quyết được nhu cầu, những mong muốn của họ.

Một bài viết hấp dẫn không phải chỉ có chữ không mà có thêm hình ảnh để minh họa. Đôi khi một hình ảnh mang cả thông điệp của một đoạn nội dung. Ngoài hình ảnh thì video cũng là dạng nội dung giúp độc giả ở lại lâu hơn với blog của bạn. Một Video ngắn giúp người đọc hiểu khái quát hơn, trực quan hơn những thông điệp mà bạn muốn chia sẻ.

Bước 9: Chia sẻ blog đến nhiều người hơn

Để Blog sống được ngoài việc bạn duy trì đều đặn thì một yếu tố cũng quan trọng không kém đó chính là Traffic.

  • Có traffic chúng ta mới biết được độc giả thích chủ đề nào, quan tâm chủ đề nào của bạn
  • Có traffic thì nội dung của bạn mới nhận được đóng góp đa chiều
  • Có traffic thì blog mới có thể mang lại chuyển đổi (conversion)

Các kênh quảng bá blog

Kênh Mạng xã hội của bạn: Mạng xã hội là một trong những nơi có lượng người dùng lớn nhất hoạt động, bạn có thể chia sẻ lên kênh cá nhân hoặc kênh riêng (page) để thu hút traffic, cũng từ nội dung đó có thể xây dựng thêm cho thương hiệu của bạn vững mạnh

Diễn đàn hoặc nhóm chuyên ngành: Các nhóm đúng chủ đề Blog của bạn hoặc các forum chuyên môn là kênh traffic chất lượng cho blog của bạn vì ở đây là “lọc” trước người quan tâm đến chủ đề này.

Sử dụng Guest post: Bạn có thể viết và đăng tải bài viết trên một trang web hoặc blog khác để xây dựng liên kết (backlink) đến trang web hoặc blog của chính mình. Khi viết một bài guest post, người viết có thể chọn các chủ đề liên quan đến lĩnh vực của mình hoặc các chủ đề phù hợp với trang web hoặc blog mà họ muốn xuất bản. Bài viết guest post phải tuân thủ các quy tắc và yêu cầu của trang web hoặc blog mà nó sẽ được đăng tải.

Sử dụng email marketing: Email marketing là một phương pháp rất hiệu quả để giới thiệu bài viết mới nhất của bạn tới độc giả. Bạn có thể sử dụng các công cụ như MailChimp, Getresponse, hay Mautic để lấy địa chỉ email của độc giả và gửi cho họ thông tin về bài viết mới nhất của bạn. Lưu ý khi dùng email là bạn phải được xin phép người nhận email, đừng download danh sách email hoặc mua danh sách và gửi email đến họ vì cách này rất cũ rồi mà hiệu quả rất tệ.

Tham khảo thêm: Blog cá nhân mỏ vàng Free Traffic khi làm Affiliate Marketing

Bước 10: Tạo ra nguồn thu từ việc viết blog cá nhân

Đây có thể được xem là mục tiêu cuối cùng trong hành trình phát triển blog mà bạn hướng đến. Có thể nhiều bạn sẽ nói “Tôi viết blog là vì đam mê, viết vì thích viết nên chuyện tiền bạc không cần nhắc tới”. Nhưng không, Blog có thể mang nhiều giá trị cho người đọc, xuất phát từ đam mê viết lách của bạn nhưng không có nguồn thu bạn sẽ khó có thể duy trì được Blog. Hosting và Domain bạn cũng phải trả phí mà, tuy không nhiều nhưng cũng là chi phí. Một hai năm bạn có thể duy trì nhưng nhiều hơn thì sao? 

Đam mê nhưng phải tạo ra được giá trị cho bản thân, khi đó bạn mới có đủ sức tạo ra những nội dung hấp dẫn cho độc giả của mình.

Có rất nhiều cách để tạo ra nguồn thu từ việc viết blog, mình đã từng chia sẻ ở một bài viết khác về 5 hình thức phổ biến để kiếm thu nhập từ blog cá nhân bạn có thể đọc thêm.

Tham khảo: 5 hình thức kiếm tiền phổ biến với blog cá nhân.

Tạm kết

Hành trình phát triển blog cá nhân không hề dễ dàng, và cũng không bắt buộc các bạn làm theo 10 bước trên. Nhưng đâu đó trên hành trình bạn sẽ cần gặp những giai đoạn như vậy. Một chút chia sẻ để các bạn hiểu hơn về blog cá nhân. Vào thời điểm khởi đầu nào cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nếu nắm rõ các bước trên bạn sẽ rút ngắn thời gian phát triển blog hơn. 

Hy vòng bài viết cung cấp cho bạn các thông tin hữu ý về blog cá nhân, nếu bài viết có phần nào chưa ổn các bạn vui lòng góp ý thêm để mình hoàn thiện bài viết.

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

1 Bình luận
oldest
newest most voted
Inline Feedbacks
View all comments
Thân Công Huy
4 months ago

Bài viết rất chi tiết và đầy đủ lộ trình cho ai mới bắt đầu

1
0
Would love your thoughts, please comment.x